Đây là những điểm nổi bật trong đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/2.
Đề án có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện từ năm 2021 đến 2025
Không nêu rõ bao nhiêu camera được lắp trên các tuyến quốc lộ 1A và các tuyến cao tốc trên toàn quốc, tuyến đường ở TP Hà Nội và TP HCM, tuy nhiên đề án được phân ra làm ba dự án.
Dự án một do Cục Cảnh sát giao thông làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera.
Dự án này ngoài xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...
Với dự án hai, thứ ba có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp Trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM sẽ do công an của các thành phố này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án 650 tỷ đồng.
Tại hai dự án, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, TP HCM sẽ xây dựng thêm hệ thống phần mềm tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiển thị xe thuộc diện phải giám sát (xe mất cắp, xe tai nạn bỏ chạy, xe đang trong chuyên án cần theo dõi...).
Trên các tuyến cửa ngõ ra, vào ở hai thành phố lớn, cổng các nhà ga sẽ được bổ sung màn hình điện tử phục vụ công tác chỉ huy điều hành giao thông, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. CSGT của hai thành phố này được trang bị máy tính bảng chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và điều tra giải quyết tai nạn giao thông tại hiện trường...
Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng đề án được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ vào xử phạt, quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, giúp giảm thiểu sự có mặt trực tiếp của cảnh sát giao thông trên đường. Đề án sẽ xây dựng, chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt, trang bị các hệ thống giám sát trên toàn quốc, để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình chia sẻ, kết nối hình ảnh, dữ liệu..."
Theo quy định hiện hành, chưa bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới. Do vậy chỉ một số tuyến cao tốc mới như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được nhà thầu lắp đặt, tuy nhiên cơ chế phối hợp, trích xuất xử lý còn hạn chế.
Tuy nhiên, trong đề án này, Chính phủ quy định cho đây là điều kiện bắt buộc với mỗi nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng các tuyến đường, cao tốc mới.
"Việc lắp đặt được làm từ đầu, cùng thời điểm xây mới cao tốc sẽ vừa giảm được nhiều công đoạn, chi phí và có thể khai thác được sớm, mang lại nhiều lợi ích", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, cảnh sát giao thông chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...
Việt Nam hiện có hơn chục tuyến cao tốc và gần 130 tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam, tuy nhiên chỉ một số tuyến được lắp đặt camera. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 262 km, có 110 camera giám sát; cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 61,9 km có 11 camera; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 130 km, lắp đặt 78 camera.
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 330 km có 90 camera; đoạn TP HCM - Đồng Nai đã lắp đặt 43 camera.
Tại TP Hà Nội và TP HCM cũng có hệ thống với cả nghìn camera xử phạt, camera an ninh, camera giao thông đưa vào hoạt động nhiều năm trước, tuy nhiên chỉ tập trung ở các tuyến phố trung tâm, trọng điểm.